Vỡ mộng đầu tư khu sinh thái mini - Nha Dat Thai Nguyen In

Anh Toàn đang vận hành khu du lịch sinh thái rộng gần 10ha tại Đông Anh, Hà Nội. Anh đang muốn tìm khách chuyển nhượng lại với mức giá hơn 70 tỷ đồng. Dự án bao gồm khu phòng nghỉ và vui chơi giải trí như câu cá, karaoke, tennis, đá bóng, cắm trại... 

Năm 2008, anh mua khu đất, sau đó đầu tư xây dựng thêm, thiết kế khung cảnh và đưa vào kinh doanh. Một thời gian đầu lượng khách cũng khá tốt nhưng sau đó thưa dần và đến nay hầu như chỉ có khách vào cuối tuần. 

"Bây giờ kể cả ngày cuối tuần khách cũng vắng, không đủ bù chi phí nhân viên phục vụ. Vào ngày thường lại càng ảm đạm hơn, có hôm số khách chỉ đếm trên đầu ngón tay", anh Toàn chia sẻ. 

sinh-thai-499-6053-1384334310.jpg

Một số khu sinh thái mini hiện kinh doanh không mấy thuận lợi nên nhiều nhà đầu tư đang phải rao bán dự án với giá rẻ. Ảnh minh họa

Anh Phúc, chủ một dự án sinh thái thuộc Đông Anh cũng cho biết xin được giấy phép đầu tư từ năm 2010. Đến nay, anh xây dựng được một số công trình như sàn gỗ, kè ao, trồng cây...  nhưng chưa thể kinh doanh do các hạng mục vẫn quá sơ sài. Khó khăn về tài chính cũng như nhận thấy cơ hội lĩnh vực này không còn như trước, anh quyết định tìm khách chuyển nhượng.

"Nếu theo đuổi phân khúc này, bây giờ phải đầu tư thực sự quy mô mới mong có lượng khách đều và ổn định. Còn nếu chỉ xây dựng bình thường như những nơi khác thì rất khó cạnh tranh. Mấy khu sinh thái quanh đây hiện cũng làm ăn èo uột lắm", anh Phúc nói. Tuy không tiết lộ về giá bán nhưng nhà đầu tư này cho biết, mức chuyển nhượng dự tính lỗ khoảng 10 tỷ so với vốn đã đổ vào đây. 

Anh Bình cũng đang rao bán một khu sinh thái gồm nhà hàng, khách sạn gần sân golf Đồng Mô, Ba Vì. Nhà đầu tư này cho biết, khoảng 5 năm trước, mô hình kinh doanh khu sinh thái còn mới nên công việc làm ăn khá suôn sẻ. Tuy nhiên, khoảng một năm nay, lượng khách sụt giảm đáng kể, chỉ bằng 30% trước đây, trong khi chi phí thuê nhân viên và vận hành tốn kém khiến dự án trở thành gánh nặng với anh. 

"Hiện tháng nào kinh doanh tốt thì hòa vốn, còn nếu không thì lỗ là chuyện thường. Tuy nhiên, để hòa được vốn thì ngoài lượng khách đông cũng cần phải đẩy giá dịch vụ lên khá cao, lại khó cạnh tranh với những khu nghỉ dưỡng quy mô lớn", anh Bình nói. 

Chủ một khu sinh thái tại Yên Sơn, Ba Vì cũng cho biết, bên cạnh khu đất hàng chục tỷ, trước đây anh đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng vào dự án. Hiện công trình đã cũ, khó cạnh tranh với những khu nghỉ dưỡng quy mô lớn xung quanh. 

"Vì vậy, tôi dự định một là phải đầu tư thêm, nâng cấp dự án và tăng cường quảng cáo, marketing để thu hút khách, chứ không thì chỉ còn nước đóng cửa. Hai là bán cho người khác để thu hồi vốn, kinh doanh lĩnh vực khác", vị này cho hay. 

Anh cho biết, hiện tính trung bình, mỗi ngày chỉ thu hút được khoảng 40 khách. Trong đó, chủ yếu khách tập trung vào cuối tuần, còn ngày thường rất vắng vẻ, nhân viên chủ yếu ngồi chơi.

Không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vài năm trước có ý định đầu tư khu sinh thái đến nay cũng muốn bỏ cuộc.  Ông Phạm Xuân Cần - Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Soho cho biết hiện không chỉ những dự án mini mà nhiều khu sinh thái lớn, thuộc sở hữu doanh nghiệp cũng đang bị rao bán. Những dự án này tập trung ở khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm... và các tỉnh lân cận quanh Hà Nội như Hòa Bình, Hưng Yên... 

"Trào lưu kinh doanh khu sinh thái, nhà vườn bùng nổ khoảng năm 2009-2010 khiến nhiều người đổ xô vào mua đất đầu tư. Đến nay, thị trường bất động sản khó khăn thì đây lại là phân khúc khó khăn nhất trong giao dịch", ông Cần cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Soho những dự án rao bán chủ yếu là được đầu tư dở dang hoặc quá cũ, khó thu hút khách. "Hơn nữa, những người muốn bán trong thời điểm này chủ yếu là đang rất cần tiền vì giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư. Do đó, dù bán được thì cũng lỗ tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ", vị này nói. 

Ngọc Tuyên

Nguồn: Internet - Sưu tầm bởi VietWeb.Vn


Tin liên quan:
Tin cũ hơn: